Trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2017 - 2022, chiều 10/12/2017, Bộ GD&ĐT đã tổ chức diễn đàn "Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển” với 125 đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì diễn đàn.
Tại diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ, trao đổi về một số vấn đề liên quan tới thế hệ trẻ hiện nay như khởi nghiệp; đổi mới phương pháp dạy và học; tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh trang bị kiến thức tin học, ngoại ngữ cho học sinh trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0; sáng tạo, nghiên cứu khoa học trong học sinh, sinh viên, giáo viên, giảng viên trẻ; tình trạng chảy máu chất xám trong du học sinh.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh tới tầm quan trọng của giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên và hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong các nhà trường, những hoạt động này sẽ giúp cho các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường tự tin và dễ tìm kiếm các cơ hội việc làm hơn, trong đó có vai trò của Đoàn thanh niên với các hoạt động giáo dục. Ngoài ra, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh, sinh viên, với thời lượng ít nhất 2 tiết/tuần, đưa những vấn đề bức thiết trong cuộc sống vào giờ dạy như trang bị cho học sinh hiểu biết về tác hại và mặt trái của việc lạm dụng mạng xã hội.
Toàn cảnh diễn đàn "Tuổi trẻ Việt Nam học tập, rèn luyện, sáng tạo vì ngày mai phát triển”
Về vấn đề hỗ trợ khởi nghiệp, nhiều đại biểu cho rằng Bộ GD&ĐT cần có các giải pháp tích cực hơn trong việc chỉ đạo các nhà trường thực hiện việc hỗ trợ học sinh, sinh viên đưa nghiên cứu khoa học ứng dụng được vào cuộc sống, đưa các sản phẩm ứng dụng ra được thị trường. Muốn như vậy, rất cần sự kết nối giữa các bộ, ngành, giữa các nhà trường với các quỹ hỗ trợ tài năng, các doanh nghiệp. Việc hỗ trợ này không chỉ ở việc cấp kinh phí mà còn cần chọn lọc, phát hiện những ý tưởng, đề tài nghiên cứu có triển vọng để giúp học sinh, sinh viên tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng, tránh việc để lãng phí nhiều ý tưởng sáng tạo tốt chỉ dừng lại ở các cuộc thi lấy giải thưởng như hiện nay.
Đại biểu trao đổi ý kiến tại diễn đàn
Phát biểu tại diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh, Đại hội đại biểu của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh toàn quốc lần thứ XI là một sự kiện chính trị quan trọng của thanh niên Việt Nam, đánh dấu sự phát triển của phong trào đoàn, công tác đoàn và phong trào thiếu nhi; đồng thời cũng là nơi để trao đổi, hoạch định những vấn đề có tính chất chiến lược về công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi của Việt Nam trong thời gian tới.
Đánh giá cao về những vấn đề được đưa ra chia sẻ, trao đổi tại diễn đàn, Thứ trưởng cho rằng, đây là những vấn đề trọng tâm mà thanh niên cả nước đang rất quan tâm và Bộ GD&ĐT cũng xem đây là những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Thứ trưởng cũng ghi nhận sự nhiệt tình, trách nhiệm của thế hệ trẻ đối với giáo dục, cộng đồng và Tổ quốc.
Trao đổi về vấn đề khởi nghiệp, Thứ trưởng cho biết, hiện nay, Bộ đang xây dựng kế hoạch triển khai Quyết định 655 về Đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp nhằm tạo ra một sân chơi để các bạn trẻ thể hiện ý tưởng, trong đó có những ý tưởng để đưa vào thực tế cuộc sống cần có hỗ trợ từ các đơn vị chức năng liên quan.
Trước băn khoăn của đại biểu về tình trạng chảy máu chất xám trong du học sinh, Thứ trưởng thông tin, Bộ GD&ĐT có chính sách giới thiệu việc làm sau tốt nghiệp cho du học sinh không thuộc diện được cơ quan cử đi. Sau một năm nếu chưa được nơi nào nhận, các em đó phải chủ động kiếm việc. Bên cạnh sự hỗ trợ của Bộ, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh tới tinh thần khời nghiệp, sự chủ động linh hoạt của các du học sinh để không chỉ tự tạo việc làm cho mình và cho người khác.
Trước câu chuyện điểm đầu vào sư phạm thấp được môt số đại biểu nêu ra, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết, hiện Bộ GD&ĐT đang quy hoạch mạng lưới, có kế hoạch nâng cao chất lượng trường sư phạm, cùng với đó là xây dựng chuẩn đầu ra và kiểm định nâng cao chất lượng đội ngũ sư phạm. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng là việc nghiên cứu thay đổi chính sách về tiền lương giáo viên để thu hút người tài vào học ngành này.
Theo Trung tâm Truyền thông giáo dục
Nguồn: Bộ Giáo dục và Đào tạo